Trang

QUÁN TÌNH BẠN
chủ quán: Võ Hồng Dũng
liên hệ qua email nhé: vohongdungtk@gmail.com

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

GIAI ĐIỆU MÙA XUÂN



chiều mồng 4 tết, cuộc họp mặt được tổ chức tại nhà hàng Quê hương để gặp gỡ bạn bè. Ông TT Tuấn, MP Ánh, Thiện... cũng bôn ba từ thành phố về để cùng chung với các bạn, dĩ nhiên không thể thiếu những khuôn mặt thân thương của Đà Nẵng: Mỹ Liên, Thanh Huyền, Tự Cường... cùng phần góp mặt của gia đình 1975-1978 Tam Kỳ: TT Bửu, ND Chi, NC Hải, NT Hành, HV Luận-Cẩm Hồng, Lệ Thu, Thu (Ng), TQ Lộc, ... và dĩ nhiên có tui, chứ không thì tui biết chi mà nói.
Không khí mùa xuân vẫn còn mãi trong lòng người, nhất là khi chung ta còn sống vui, sống yêu đời. Cuộc đời vậy mà quá nhanh, có người trong chúng ta đã lên chức bà, chức ông. Những ông bà hôm nay, mới hôm qua đây là những cô cậu học trò vô tư cùng trang giấy trắng, mài đũng quần trên chiếc ghế gỗ, ngây thơ đùa chơi hồn nhiên, cứ tưởng rằng tuổi thanh xuân không bao giờ đi qua... Vậy mà chúng ta đã bước qua bên kia con dốc của cuộc đời... Một khoảng lặng, nhưng là khoảng lặng bình yên và có bao nhiêu điều để nhớ để thương nhớ nếu chúng ta biết trân trọng những tình cảm đáng quí đó. 
Cám ơn NT Tòng,  đây cũng là dịp hội ngộ của những người bạn, những người từng chung một thời đói khổ, sướng vui có nhau, những kỷ niệm lại chồng chất kỷ niệm, những bóng hình hôm qua và hôm nay, cứ đan xen trong ký ức... nhưng cái đứa trẻ con  trong mỗi con người chúng ta bao giờ cũng dễ thương, nhí nhảnh, nó nối những nụ cười, kết lại những bàn tay, chia sẻ những con tim và nổi niềm thương nhớ và đến khi gặp lại nhau, tất cả chúng ta, tuổi tác hình như đã không thể ngăn cản những thằng cu, con bé đó đùa chơi vui vẻ như thời gian chưa một lần đi qua trong cuộc sống...
Ôi, mình lại lang thang rồi. Bây giờ, xin gởi lại một số hình ảnh của ngay vui đáng nhớ đó. Dĩ nhiên còn rất nhiều hình, nhưng thôi, chọn một ít cho vui thôi, còn lại, có lẽ nếu ai cần thì mình sẽ share nó trên internet nhe.
(chú thích: những hình này đã thu nhỏ kích thước và chưa chỉnh sửa gì về độ sáng, độ nét nên có thể chưa đẹp lắm. mong các bạn thông cảm, nếu ai co nhu cầu nhận hình gốc, xin liên hệ qua email, có thể mình sẽ up lên mạng cho các bạn lấy hình gốc về, mỗi file có thể trên 10 MB)










Tam ca Áo dài trắng: Cẩm Hồng - Lệ Thu - Mỹ Liên


Na

Trần Nữ

Bê ta và Mai Lệ Huyền

Nghệ sĩ saxo


Mã Phúc Ánh rất say sưa trong một ca khúc trữ tình











Ba người lính nữ ngự lâm




người bạn cũ của tôi










Bê ta lại mai mối cho Luận và Cẩm Hồng



Chi và Thiện




những bước nhảy hoàn cảnh

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

THÊM MẤY TẤM HÌNH CŨ

hình này ở Chu Lai 

Cái này ở Tam Kỳ

Nữ sinh ngày ấy



Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2012

THƯƠNG VỀ XỨ QUẢNG

trong những năm tháng qua mình có dịp đi khá nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam, Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Tiên Phước, Trà My, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc... Mỗi nơi đều có ít nhiều kỷ niệm. vì vậy mình viết vài dòng ở đây xem như là chút ân tình với những vùng đất mà mình đã có may mắn đặt chân đến. Dĩ nhiên với con mắt của một lữ khách, không thể nào nói hết được những đặc sắc của một vùng quê, ký ức của mình cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, mong các bạn thông cảm...

TIÊN PHƯỚC
ờ thôi, nói chuyện Tiên Phước trước đi cho vui, ở đây có Lê Văn Ngọc, Đỗ Ngọc Chương, Huỳnh Ngọc Do, Huỳnh Ngọc Trọng. Miền trung du Tiên Phước nổi tiếng với tiêu, chuối, lòn bon, dâu đất...
Hiện nay thì quí vị này đã không còn, riêng cô em của ông Lê Văn Ngọc là Lê Thị Kim Quý đã có chồng tại Bắc Trà My, mình hay lên đó nên cũng gặp được vài ba lần.
Đói lòng ăn trái lòn bon...
Nói đến Tiên Phước tự nhiên nhớ đến món lòng thả dừa, một món ăn nghe lạ lạ, ăn vào thì thấy "không thể nào quên". Có gì đâu, một chút bánh tráng nướng bẻ nhỏ bỏ vào nước dừa và cơm dừa non đã nạo, thêm chút tiêu, muối (hoặc nước mắm), vậy là cứ tha hồ... Hổng hiểu mình nhớ như vậy có chính xác không vì lâu quá rồi, mấy mươi năm nay không còn được hưởng cái hương vị độc đáo của làng quê Tiên Phước qua món ăn lòng thả dừa đó. Tiên Phước còn nổi tiếng về lòn bon, trái lòn bon ăn hoài mệt nghỉ mà. Thật ra lòn bon Thượng Đức (Đại Lộc) có lẽ ngon hơn ở Tiên Phước. Mình nghe nói ở Thượng Đức có rừng lòn bon dành để tiến Vua. Ngày xưa, thời phong kiến, khi bắt đầu mùa lòn bon, người ta hái những quả đầu mùa đem ra Huế tiến cho Vua xong rồi dân chúng mới được vào rừng hái đem về. Bây giờ, lòn bon Thái lẫn lộn, mình thì thuộc loại ít sành ăn, và ít ăn nên không biết thế nào, nhưng nghe người ta nói lon bon Thái ngọt quá không ngon, còn lòn bon của Tiên Phước quê mình thì nó hơi chua một tí, thành ra rất hấp dẫn, nhất là mấy chị em phunu. Lòn bon có cái hay là trái nhỏ lại ngon hơn trái lớn, nhất là những trái không có hạt, chính vì vậy, anh nào thiếu kinh nhiệm, bốc toàn những trái lớn thì hơi khó đó nghe.
Có một câu chuyện giữa miền xuôi và miền ngược Tiên Phước. Hai ông xui gặp nhau, ông miền xuôi nói với ông miền núi, hôm nào tôi gởi lên cho anh con cá bánh đường. Ông kia nghe mừng quá, vì được tới 3 món quà: cá, bánh, đường. Đến khi nhận được thì chỉ có một con cá, hỏi ra mới biết con cá đó là Cá Bánh Đường, cái tên nó vậy mà. Ông tức lắm, nhắn với ông xui, tui sẽ gởi lại cho anh một bắp chuối tiêu. Ông xui kia rất mừng vì hy vọng mình sẽ nhận được bắp, chuối, tiêu: ba món rất hấp dẫn. Té ra món quà chỉ là một bắp chuối tiêu, tức là cái bắp chuối của cây chuối tiêu, loại chuối có trái khá nhỏ nhưng thơm ngon...
Ở Tiên Phước có câu: "Sông Tiên nước chảy ngược dòng, con gái Tiên Phước bỏ chồng theo trai", câu này hơi oái ăm, mình hổng dám có ý kiến gì, nhưng theo "kinh nghiệm" cá nhân, con gái Tiên Phước tuy không đẹp nhưng khá dễ thương và yêu rất đậm đà.
Đường từ Tam Kỳ lên Tiên Phước, Trà My ngày xưa người ta đi ngã Tam Lãnh (tức là qua lòng hồ Phú Ninh) lên Quế Phương rồi chạy lên cầu Tiên An, từ đó có đường qua Tiên Kỳ, nếu đi thẳng từ Tiên An lên Tiên Hiệp thì sẽ đến Bắc Trà My, gần ngã ba Tiên Hiệp là ngã ba Tiên Lãnh, đi vào Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, cũng có đường nhỏ chạy qua Thăng Bình. Hiện nay sau một thời gian phải đi đò lên Tam Lãnh, người ta đã làm con đường từ Tam Dân lên, qua đập Dương Lâm, rồi chạy dọc theo lòng hồ Phú Ninh, phong cảnh khá đẹp, chỉ tội đường hơi vắng và quanh co rất nhiều. Còn con đường mới từ Tam Kỳ lên Tiên Phước qua ngõ Tam Ngọc, bấy lâu nay hư hỏng hoải, hiện nay người ta làm mới lại lên đến Tiên Thọ (ngã ba chợ Tiên Thọ) nên đường đi rất tốt, phần còn lại lên Tiên Kỳ chắc rồi cũng sẽ hoàn thành. nếu đi Trà My thì từ ngã ba Tiên Thọ, rẽ vào ngõ Tiên Lập, qua Quế Phương chạy dọc theo bờ sông lên Tiên An, từ Tiên An ra Tiên Hiệp là đường bê tông rộng 5m chạy thoải mái, từ Tiên Hiệp trở lên đường đã được làm mới. Đi cách này tránh được qua đèo Liêu.
Mà nhắc đến đèo Liêu lại nhớ đến cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà cụ dưới chân đèo Liêu, phía dưới này, có nghĩa là qua Tiên Cảnh, là dến nhà cụ rồi mới tới đèo Liêu. Nhà cụ ngay ngã ba nên chỗ này gọi là ngã ba Cụ Huỳnh. Cũng hay, biết đâu, mấy chục năm sau chỗ ngã ba đường Hoàng Diệu và Phan Chu Trinh, người ta lại gọi là ngã ba Cụ Tuấn (Trần Trọng Tuấn), chà lúc đó hổng biết Bate mình nghĩ thế nào. Hiện vẫn còn người cháu nội của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở đây để chăm sóc ngôi nhà của cụ (mình nhớ vậy hổng biết có đúng không?)
Đường lên Tiên Phước thật ra còn rất nhiều ngã. Từ ngã ba Kỳ Lý chạy thẳng lên (đi ngang qua một ngã ba rẽ vào nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh, mình sẽ nói về điều này khi viết về Phú Ninh), qua Eo Gió là đến Tiên Cẩm, ngã ba Sơn Cẩm Hà nổi tiếng, chạy mãi lại đến Tiên Châu, rồi Tiên Kỳ, hoặc buồn buồn chó thể chạy lên Chiên Đàn, tới huyện Phú Ninh, qua một đoạn, băng qua kênh Phú Nính chay thêm qua mấy cánh đồng là đến Tiên Phong, không qua dốc Suối Đá. từ đây nếu rẽ trái thì ra lại đường từ Tam Kỳ lên ngay ngã ba Tiên Phong, còn không thì rẽ phải, chạy lên Tiên Mỹ cũng đến Tiên Kỳ. Mấy còn đường náy mới làm, đi cũng khá tốt, chỉ tội là thời gian gần đây mấy xe chở keo làm hư hại khá nhiều...
Tiên Phước còn nổi tiếng với những ngôi nhà cổ vài trăm năm, có vài cái cũng được 300 năm, nhiều nhất là vùng Tiên Cảnh. Chúng ta cũng hay nghe nói đến cái bàn tự xoay khi nhiều người đặt tay lên nó, những sản vật độc đáo này cũng có xuất xứ từ Tiên Phước.
Ở Tiên Châu có thác Ồ Ồ cũng khá đẹp, còn cầu sông Tiên thì khỏi phải bàn, đừng trên cầu nhìn xuống một dòng nước mênh mông cháy mới thấy được cái thú vị của sông Tiên, thay vì chảy xuống Tam Kỳ, nó lại chảy ra, đổ vào sông Thu Bồn màu mỡ phù sa cho cả một vùng Điện Bàn, Hội An.



NÚI THÀNH
Núi Thành, người anh em của Tam Kỳ. Nói đến đây lại nhớ đến ông Hải, bạn của ông Thanh, mình được gặp hôm vào SG, anh chàng cũng ra vẻ nghệ sĩ lắm, nghe nói là người Tam Hải, quê hương của Bàn Than.
Núi Thành nổi tiếng nhở có sân bay Chu Lai, tượng đài Chiến thắng Núi Thành nằm sát bên đường quốc lộ đối diện với sân bay, biển Rạng, cảng Kỳ Hà, và Bàn Than. Ờ mà tào lao một chút thì hồi xưa còn nổi tiếng với món mì Cây Trâm, Kỳ Chánh cũ, nay là Tam Anh Nam, Không biết vì sao gọi là Cây Trâm, nhưng hiện nay mình cũng có một cô bạn tên Trâm, là em của ông Khai, Tự con cô Lâm trường Bàn Phước cũ. Cô Lâm hiện nay ở Tam Anh Nam, hôm trước gặp thấy cô vẫn còn khỏe. Món mì Cây Trâm dù bây giờ không còn, (ở Tam Kỳ cũng có một quán tên là Mi Cây Trâm), nhưng cái hương vị và danh tiếng của nó thì chắc muôn đời không phai. Mì ngon không những nhờ là mì mà còn nhờ những con cua, tôm lột được đánh từ sông nước lợ sát bên quốc lộ 1. Ngày nay người ta làm hồ nuôi tôm nhiều nên con cua, con tôm tự nhiên như ngày trước còn rất ít, vì vậy, không có để mà bán. Phải thân quen lắm thì mới được cho vài con cua lột tự nhiên ở đây, thật ngon hết chỗ nói.
Sân bay Chu Lai trước đây phục vụ cho chiến tranh,nay phục vụ cho hòa bình. Nhưng năm gần đây, ở Chu Lai có máy bay đi SG, nhưng hình như cũng còn thưa thớt, chủ yêu là đẻ phục vụ cho khách ở Khu Kinh tế mở Chu Lai. Cũng nhờ khu Kinh tế mở này mà hiện nay Núi Thành, nhất là các xã Tam Hiệp Tam Nghĩa, thi trấn An Tân, rồi Cảng Kỳ Hà, Tam Hải.... thay da đổi thịt khá nhiều. Nhắc đến An Tân, mình lại nhớ đến cô bạn An Tân hồi xưa học lớp D, ba An Tân có chiếc xe chay Tam Kỳ-Đà Nằng. Hồi xưa bọn mình hay chọc: An Tân-Tam Kỳ 5 đồng một vé...
Biển Rạng đúng là kỳ quan thiên nhiên, ở đây những rạng đá như đâm lên từ mặt biển, tua tủa như những lưỡi kiếm, trông rất đẹp. Ngày nay, dọc theo bờ biển, từ Dung Quất chay ra biển Rạng, người  ta làm con đường thẳng bon, sát bên sân bay Chu Lai, một bên là biển, là sân bay, chạy xe đường vắng, đã thật. đi đường này tiết kiệm được khoảng 5-6km so với quốc lộ 1. Ở đây cũng có những khu resort dễ thương lắm, nếu có dịp, xin ghé vào cho biết.
Đường xuống Tam Hải vẫn còn phải qua phà, bởi ở đây nước sâu, tàu thuyền qua lại thường xuyên, khó mà làm được cầu. Người ta chỉ bán vé ở đầu bên Tam Hải, do vậy nếu đi từ An Tân xuống thì khỏi tốn tiến, đến khi về thì trả cho cả chuyến luôn, người ta tính như vậy cũng hay, đỡ phải mất công bán vé hai lần.
Cảnh vật Bàn Than rất đẹp, chỉ tiếc đường đi lại hơi xa, qua phà mất công,mong rằng sau này có đường bộ, có cầu, thì Ban Than sẽ được nhiều người biết đến hơn, Ở đây nghe nói có Ông Đụn (một khối đá nỏi lên) và Khe Bà (một khe nước nhỏ). Sở dĩ có tên như vậy vì nó rất giống với "nguyên bản" của Linga và Yona. Ai thấy rồi sẽ biết...
Ngày nay đường xá mở mang nhiều, nhất là tại thị trấn An Tân, có ngã ba, ngã tư, gần giống như Tam Kỳ ngày xưa. Bây giờ từ Tam Thanh đi Tam Tiến, đã có đường nhựa, đi tốt lắm. Những con đường ngắn như Tam Anh-Tam Hòa, An Tân-Tam Giang, Tam Anh-Tam Sơn... đều đã là đường nhựa, không còn vất vả như ngày xưa. Từ Tam Anh đi lên còn có hố Dương Thơm, một địa điểm du ngoạn khá nỏi tiếng, nếu thích núi non hơn thì có thể lên Tam Sơn, Tam Trà ngắm cảnh hồ Phú Ninh cũng được.
Núi Thành cũng có một cụm tháp giống như tháp Chiên Đàn ở Kỳ Lý, đó là tháp Khương Mỹ tại Tam Xuân. Đây cũng là quê hương của Chủ tích nước Võ Chí Công. Nghe nói phía trên Ba Hố cũng có tháp Chàm nhưng đã sụp đổ, Vùng Thạch Kiều có cầu đá khá nổi tiếng và hồi xưa hình như ở đây cũng có một nữ sĩ tài ba, không kém Bà Huyện Thanh Quan, lâu rồi, mình không nhớ tên...
Núi Thành còn là quê hương của ông Thủ Thiệm, hiện mộ ông còn ở Tam Hòa. Hồi trước, cách đây trên 15 năm, mình có cô học trò quê ở Tam Hòa, nhà cô ở phía sau mộ ông Thủ Thiệm. Thủ Thiệm là nhân vật có thật trong lịch sử, nôi tiếng hài hước, hay chọc phá bọn quan lại, phê phán thói hư tật xâu trong xã hội ngày xưa. Chợ Vạn (chợ Tam Kỳ cũ), cây đa dù Tam Xuân (nay nằm chỗ trường Nguyễn Văn Trỗi, Tam Xuân 2), Chợ Được (Thăng Bình)... là những nơi in dấu của ông Thủ Thiệm và biết bao câu chuyện về ông.
Ở Phú Bình còn có chuyện của ông Lánh, chuyện này thì hoang đường thôi, gieo đậu xanh thành âm binh chống Pháp... rồi có người kể, khi thất bại ông cởi chim (hay gì gì đó, quên mất) bay đi, khi ngang qua Hương Trà (Tam Kỳ) thì làm rơi chiếc giày, người ta đem chiếc giày này chôn, gọi là mộ Giày. Hổng biết chuyện chiếc giày thực hư thế nào, nhưng mình đã đến chỗ mộ Giày, nó là một ngôi mộ hẳn hoi, nằm cuối vườn của một gia đình tại thôn Hương Trà, Phường Hòa Hương.
Núi Thành cũng là khởi điểm của dòng sông nước lợ Trường Giang chảy mãi từ Tam Quang ra tới Hội An, Ngày trước nó là tuyến lưu thông nội địa an toàn cho cả tỉnh Quảng Nam vì nó chạy dọc theo cả tỉnh, muốn ra Đà Nẵng cũng được. Ngày nay, lòng sông nhiều nơi bị hẹp do người ta làm hồ nuôi tôm nhiều quá, sông Trường gắn liên với lịch sử của Quảng Nam như một bài không quên cùng năm tháng.



PHÚ NINH
Nói đến Phú Ninh, chắc chắn mọi người đều nhớ đến hồ Phú Ninh nổi tiếng của đất Quảng. Đây là công trình thủy lớn lớn nhất sau ngày giải phóng, làm bằng sức người là chủ yếu, hồ rộng mênh mông, trong lòng hồ có suối nước nóng, hiện người ta làm ống dẫn để khai thác làm nước khoáng, tiếc là thương hiệu của nó ở Quảng Nam lại ít được chuộng. Hồi xưa khi chưa có hồ mình và các bạn lớp c2 đã có lên đó chơi một lần, trong tập ảnh của ba mình, ông cũng đã từng đến đó. Con đường ngang qua lòng hồ, lên Tam Lãnh chính là con đường chính lên Tiên Phước ngày xưa, sau này có hồ Phú Ninh, người ta mới đi đường bên ngã Tiên Thọ nhiều hơn, qua dốc Suối đá.
Phú Nình nổi tiếng có nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh, một chí sĩ yêu nước thời Pháp thuộc, Hiện nay ngôi nhà cũ của cụ không còn, sau này bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, cháu ngoại cụ có về làm lại một căn nhà mới, nhỏ hơn, trên nền nhà cũ làm nhà lưu niệm. Con của cụ cũng mất sớm nên cụ không có cháu nội. Hiện nay tại làng Tây Hồ, đa số là người họ Phan, là con cháu của cụ hết. Từ Tam Phước, qua kênh chính Phú Ninh đi lên ngã Eo Gió, có một lối rẽ vào bên phải, đi vào khoảng 4-5km nữa là tới nhà lưu niệm cụ Phan.
Phú Ninh còn có Nông trường Chiên Đàn một thời nổi tiếng với trái thơm và nhà máy chế biến thơm xuất khẩu. Ngày nay vùng đất này thay đổi khá nhiều, không còn trồng thơm nữa, người ta đã phân đất làm nhà. Con đường đi lên Phú Ninh ngang qua Trạm Khí tượng đã được sửa lại khá tốt, chạy qua nông trường đến khu hành chính huyện. Từ đây có đường ra Tam Phước, chợ Cẩm Khê, có đường lên Tiên Phong, có đường trở ra lại Tam Dân. Khu hành chính mới thành lập ở xã Tam Vinh nên vẫn còn thưa thớt nhà, nhưng đất đai khá rộng rãi, thoải mái.
Phú Nính còn có tháp Chiên Đàn sừng sững bên quốc lộ 1. Cạnh khuôn viên tháp là mộ cụ Trần Quí Cáp, chí sĩ yêu nước Quảng Nam. cụ bị chém ở Qui Nhơn thì phải, Tháp Chiên Đàn, theo một số  người, khu vực khá rộng, rộng qua tới bên kia đường, xuống sát bờ sông. Người ta nói vậy vì cho đến hiện nay vẫn còn thấp gạch Chăm nằm rải rác ở các bờ ruộng bên kia đường. Cái Linga (và dĩ nhiên là với Yona) lớn nhất Đông Nam Á, hiện trưng bày trong bảo tàng tháp Chiên Đàn cũng là đem về từ khu vực sát bờ sông. Cũng nói thêm là ở đây có một tấm đá có khắc chữ Champa, đẹp lá, nét chữ thanh thoát, mịn màng giống như mình dùng máy tính đánh ra...
Phía trong tháp Chiên Đàn còn có một tháp cổ khác, nằm trong doanh trại bộ đội, nhưng hình như đã đổ nát hết, chỉ còn cái đế.
Đi lên ngõ Tam Thái ngang qua chùa Khánh Thọ, lại nhớ đến chuyện của ông bà mình ngày xưa. Chuyện nay tất nhiên không có thất, họ nói chùa Khánh Thọ trước đây nó là một ngôi chùa ở Kỳ Lý. Sau này nó được ông Lánh làm phép trong một đêm bay từ Kỳ Lý lên Khánh Thọ bởi một cuộc cá cược gì đó, vậy mà cho đến nay vẫn còn nhiều tin là có thật. Kể cũng vui,



THĂNG BÌNH
Nghe cái tên cũng đủ biết, vùng đất này nó cứ "bình bình". Thăng Bình khá rộng, giáp Hiệp Đức, Quế Sơn, Phú Ninh, Tam Kỳ.
nói đến Thăng Bình là nhớ đến khoai lang Trà Đõa, rau cải Hưng Mỹ. Khoai Trà Đõa trồng ở vùng Bình Sa, Bình Triều, của to và bột rất nhiều, nấu một củ (nhớ là một củ), hai tên ăn ngất ngư, mà cẩn thận chứ không bị nghẹn, vì khoai rất nhiều bột. Còn rau cải Hưng Mỹ ngày xưa có tiếng khắp vùng, tời mùa tết, người ta chở ra tận Huế để bán. Đến Thăng Bình, ghé Hà Lam, ăn món bánh tráng thịt heo độc đáo. thịt heo không biết người ta xắc như thế nào mà lát nó dài đến hơn cả gang tay, njac nhiều, mỡ ít, cuốn bánh tráng và ray sống, rất ngon. Ngày nay món này vẫn còn nhưng hình như không còn ngon như trước nữa. Phía ngoài Hà Lam một khúc cũng có mấy quán mì cá lóc, mì gà ăn cũng dạt, đặc biệt người ta dùng bắp chuối thay rau, ăn thấy lạ lạ.
Thăng Bình ngày xưa cũng nổi tiếng với hồ La Nga - Cao Ngạn, sỡ dĩ cái tên dài lòng thòng như vậy vì nó nằm trên đất của hai làng, khi xây dựng xong, làng nào cũng muốn lấy tên mình đặt cho nó, cuối cùng bàn đi tính lại, dùng cái tên kép vậy mà hay. Hồi công trình dã xây dựng, bài hát Trên núi rừng La Nga Cao Ngạn của Hoàng Bích rất được ưa chuông, người ta cứ hát đi hát lại hoài. Dĩ nhiên ở Hồ La Nga Cao Ngạn thuộc xã Bình Lãnh này mình còn khá nhiều kỷ niệm, chỉ nhìn, nghe đến cái tên mà nhớ thôi.
sau năm 1975, ông Vũ Quốc Bảo và Lê Xuân Vũ bặt tin, ai dè hai người này về luyện chưởng tại trường cấp 3 Thăng Bình, nhưng quả đất tròn, vậy rồi anh em vẫn gặp, và tình bạn lại được kết nối.

Thăng Bình có nhiều cái tên rất hay, chợ Vinh Huy nằm ở Bình Lãnh với Bình Tri, cái tên nghe như tên người, chứ không "bình dân" như chợ Bà Bầu, chợ Vườn Lài... (?), Từ Quán Gò đi lên có chợ Đo Đo, hổng hiểu sao lại mang tên này, nhưng nghe rất ngộ nghĩnh

đi lên đường Bình Trị, chúng ta sẽ gặp làng Đồng Dương, nơi đây từng là kinh đô của người Champa thời kỳ họ theo Phật giáo chứ không phải Bà la môn, tiếc rằng những tháp ở đây đã đổ nhiều, nghe nói ở đây hồi xưa có một viện Phật học của người Chăm. Những tượng ở đây hình như đã được đem về bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng. Về địa lý, Đồng Dương hình như rất gần với Mỹ Sơn, nghe nói khoảng 20km đường chim bay. Thời gian gần đây mình có gặp mấy người bạn tại Đồng Dương, dạy trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng kể lại, trước đây người dân ở Đồng Dương đào được khá nhiều tượng Chăm, họ cũng lấy gạch về xây nhà. Tháp Chăm hiên nay không còn nữa, chỉ còn lại phần nền thôi...

Thị trấn Hà Lam hình như đang được xây dựng để lên đô thị, đường xã mở mang ra khá nhiều, Bên trong Hà Lam có Hà Kiều, khu này có một con suối nhỏ, cảnh vật khá đẹp, nếu làm du lịch thì tuyệt vời
Từ Bình Lãnh, chỗ chợ, có đường qua Tiên Phước, qua đèo gì quẻn mất, Tuy đường mới làm, ít người đi, nhưng các xe tải nhỏ làm hư một số chỗ nên cũng phải cẩn thận. Con đường nãy dẫn đến ngã ba Sơn Cẩm Hà, từ đây đi Tiên Phước theo ngã Tiên Châu, còn nếu muốn về Tam Kỳ thì đi xuống Eo Gió. Ở mình nhớ chợ Việt An có bánh tráng đường ngon lắm, hổng hiểu bây giò còn không?


QUẾ SƠN
Nói đến Quế Sơn là tự nhiên nhớ đến Giáp Văn Thức, chắc ông Vũ Quốc Bảo, Lê Xuân Vũ không quên hắn ta chứ. Cái họ cũng đặc biệt, sau 1975, Giáp Văn Thức về học tại Quế Sơn, hiện nay dạy tại Quế Sơn, cũng khá nổi tiếng là dạy giỏi, nhà đối diện trường TH Quế Sơn.
Quế Sơn có nước khoáng Tây Viên, có nhà Ái Liên (chuyện này ông Bê ta biết rõ nhất).
Đềo Le ở Quế Sơn tuy không cao nhưng khá hiểm trở bởi những khúc quanh co liên tục, trên đèo Le lại có gà Tre, một giống gà nhỏ, có thể gọi là gà mini, nghe nói thịt ăn rất ngon (vì mình chưa ăn, hoặc ăn rồi mà không biết). Giống gà này nghĩ đem làm cảnh tốt đó nhe, vì nó nhỏ nhưng rất đẹp, giống như gà bị lùn vậy.
Hình như ở đây ngày trước có quê nhiều nên ông bà mình gọi là Quế Sơn, còn bây giờ thì chắc không.   còn nữa. Hồi xưa, Quế Sơn cũng rộng, sau này chia tách Nông Sơn (bên kia đèo Le) và Hiệp Đức (từ Việt An lên thành thử cũng hẹp. Hương An cũng thuộc Quế Sơn, ngày trước đây chỉ là bão cát trắng, đi hoài mệt nghỉ, bây giờ thì nhà cửa gần lấp đầy các khoảng trống rồi, Từ ngã ba Hương An đi lên, có một thời rất khó đi do đường bị hư hại, còn bây giờ thì "xe ta bon bon" vì con đường mới làm tốt lắm. Ngày nay có thêm đường kênh Phú Ninh từ Tam Kỳ chạy ra người ta đã đổ bê tông, nên muốn đi từ Tam Kỳ ra Quế Sơn mà không cần đi quốc lộ 1 thì cứ lên đường kênh, vấn đề là phải đổ xăng cho đầy và xe không bị trở chứng giữa đường.
Nếu Thăng Bình có chợ Đo Đo thì Quế Sơn có chợ Nón, tên cũng hay, chắc là hồi xưa người ta bán nón là chủ yếu, chỉ tiếc là hiện nay cái nón lá xinh xinh của những cô gái học trò ngày xưa thường e ấp hầu như không ai dùng nữa, mà nếu có cô bé nào mạnh dạn đội nón đi học thì có lẽ thần kinh khá tốt. Rất tiếc cái thời áo dài trắng và nón lá.
Cầu Hương An và Cầu Bà Rén, cũng thuộc Quế Sơn. Hai cây cầu này cùng bị hư một lượt, có lẽ tuổi thọ của nó cũng hết rồi, Hiện nay người ta đang làm hai cây cầu bêtông lớn lắm để thay thế cầu cũ, vì vậy Hương An và Bà Rén sẽ có cơ hội thay đổi nhiều. Cây cầu mới tất nhiên không còn qua ngã ba Hương An vốn nổi tiếng chật hẹp, quanh co nguy hiểm cũng như không còn có thể ghé thăm chợ Bà Rén chuyên bán heo nổi tiếng một thời. Cuộc đời là vậy, tuy nhiên mình cũng có thế đến những nơi đó khi đi bằng con đường cũ...



NÔNG SƠN
Nông Sơn là huyện mới tách từ Quế Sơn, mang tên cái mỏ than duy nhất của miền trong, Hình như chất lượng than của Nông Sơn không cao, lưu huỳnh nhiều nên không có giá trị bằng các mỏ than ở Quảng Ninh. Lên Nông Sơn phải qua đèo Le, đi mãi tới Trung Phước lên Trung Phước một chút có cây cầu bắc qua Nóng Sơn. Nếu muốn thấy Thu Bồn vĩ đại thế nào thì chịu khó đi dọc bờ sông lên một chút nữa, lòng sống sâu và rộng mênh mông, ở đây, người ta nói khi lũ về nước lên rất nhanh, có khi là gần cả chục mét nước trong một đêm. Dù nhà cửa ở khu vực Khánh Bình này đều nằm trên cao mà vẫn không tránh được lũ lụt.
Qua khỏi đèo Le, chúng ta sẽ đi vào một vùng thung lũng khá đẹp, hai bên là núi, con đường bêtông chạy ở giữa như một sợi chỉ nhỏ bên cạnh một con sông con, Tuy vùng đất không phải là màu mỡ lắm nhưng thiên nhiên cũng ban tặng cho nơi đây cảnh vật khá yên bình và nên thơ, nêu những ai một lần lãng du trên con đường giữa thung lũng mênh mang này thì có thể làm thơ được đấy (riêng mình thì chẳng làm được câu nào)
Trên đỉnh đèo Le hiện nay người ta đang làm một khu du lịch nghỉ dưỡng khá hấp dẫn, chỉ tiếc là hình như làm chưa đảm bảo nên mùa mưa lũ vừa qua đã làm sập mất căn nhà nằm dưới suối nước mát, Đường lên Nông Sơn hiện vẫn còn chưa tốt lắm, cũng do người ta chở keo nhiều, hy vọng thời gian sau sẽ dễ đi hơn. Tuy nhiên nếu đã đi lên Nông Sơn vào những năm 90 thế kỷ trước thì mới thấy, con đường hiện nay cũng là OK lắm rồi. Hồi xưa. mình có người bạn mỗi lần đi lên đó là phải chở theo đồ nghề vá xe (và một cái bơm xe đạp chân nữa). Hiện nay thì khác rồi.








Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

NGƯỜI BẠN CỦA TÔI

LÊ QUANG TUẤN
tình cờ sáng hôm nay, 18/10/2012, khi lên Trung tâm Điều dưỡng Người tâm thần Quảng Nam, tôi lại được tham dự chương trình sinh hoạt nhân ngày 20/10/: ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ VN. Chương trình có lẽ rất bình thưởng, với tiết mục giới thiệu về lịch sử thành lập Hội LHPN VN, trả lời câu hỏi, và giao lưu văn nghệ. Tất cả đều hát rất nhiệt tình, và Lê Quang Tuấn, người bạn của chúng ta cũng lên hát, "Dấu tình sầu".
Lê Quang Tuân "Dấu tình sầu"
hôm qua, các bạn ở thành phố HCM có nhờ tôi thay mặt anh em đến viếng thầy Ngoạn, hôm nay tôi lại được nghe một người bạn cũ của mình hát trong một trạng thái tinh thần hơi không bình thường, có lẽ trường xưa, thầy cô, bạn bè cũ luôn gắn bó với chúng ta mỗi ngày...
Thật ra những lúc gặp tôi, Tuấn rất bình thường, thậm chí còn hỏi qua một người khác để biết tôi có mấy đứa con. Nhưng nghe các nhân viên ở đây nói, tình trạng của Tuấn năng hơn so với hồi mới vô, nguyên do có lẽ thời gian qua, Tuấn có về nhà một vài lần, và khi trở vào thì lại bị nặng. Tôi hỏi Tuấn: vào đây thế nào, Tuấn nói ở đây đỡ hơn ở nhà, ở nhà mệt lắm, vào đây thấy khỏe người. Tôi còn nghe cô Nguyệt, một cán bộ quản lý ở đây, mặc dù ở lứa tuổi như tụi mình, Tuấn vẫn không ngừng đòi thương một cô nhân viên trẻ ở đây, cô này cũng xinh xinh...
bạn Dũng, sinh viên Kinh tế năm 4 "Quế Sơn quê mình"
Ngồi nhìn và nghe những anh em "bình thường" và "không bình thường" hát, đôi khi "không bình thường" lại hay hơn "bình thường" mới lại chứ! Vậy mới biết khi đến với âm nhạc (và nghệ thuật nói chung), có lẽ không có sự phân biệt nào cả. Ở đây, người ta tham gia rất nhiệt tình, không nói đến chuyện hay hoặc dở. Nghe "Dấu tình sầu" của Lê Quang Tuấn hay "Nói với em", "Quế Sơn quê mình"... tưởng chừng như chúng ta đang dự một chương trình giao lưu văn nghệ khá chất lượng. Riêng tôi, khi nghe Tuấn hát, tôi thương bạn mình vô cùng. Cũng một thế hệ, cũng một con đường, nhưng sao có quá nhiều ngã rẽ, bạn tôi lại rơi vào ngã rẽ quá bất hạnh, không biết để trả giá cho chính cuộc đời mình (?) hay cho ai, nhưng dù cho bất kỳ ai thì cũng quá thiệt thòi cho Lê Quang Tuấn, một con người hiền lành, dễ thương, nhân hậu. Tuấn hát khá chuẩn, tuy chất giọng đã không còn dày như những tháng ngày thanh xuân, tôi lặng người khi nghe từng ca từ vang lại, nghĩ suy về đời người sao mỏng manh như sương sớm, chóng tan theo nắng vàng chợt bước về theo dấu thời gian. Chúng ta rất mừng vì dù có khó khăn đến mấy (mà đã từng như vậy), dù có khổ đau đến mấy, cũng vẫn còn phước hạnh hơn những con người ở đây, họ không có một ngày mai để mà mơ ước, con đường mơ ước ấy hầu như đóng lại, và mỗi ngày nó lại khép kín hơn. Bạn Dũng, một sinh viên kinh tế Đại học Đà Nẵng, giới thiệu rất rõ ràng, lịch sự, đệm đàn cũng khá dễ thương, mấy ai biết, Dũng là bệnh nhân ở nơi đây...
những anh em trong TT ĐD Người tâm thần

Và cứ thế, hết người này đến người khác, sự hào hứng không bao giờ thiếu và tính trật tự là điều mà chúng ta cần nhìn nhận, họ ngồi yên lặng, không nói chuyện như để tận tưởng không khí nghệ thuật hiếm hoi này. Anh Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm cho tôi biết, hiệu quả của những lần sinh hoạt này khá tốt, anh em bớt lên cơn, nhẹ nhàng hơn... Thuốc điều trị chỉ có tác dụng 30%, phần còn lại là cách đối xử của những người chung quạnh và các liệu pháp tinh thần như văn hóa, thể thao mà cuộc sinh hoạt sáng nay là một ví dụ cụ thể.
Khi đọc bài này, các anh em cùng khóa 1975-1978 Trung học Trần Cao Vân Tam Kỳ, hoặc khác khóa nếu có chút lòng trắc ẩn với những người bạn (đã biết, hoặc chưa hề biết) này, xin góp một bàn tay sẻ chia để cho những người anh em bất hạnh hơn chúng ta có thêm những cơ hội thay đổi đời sống mình, hy vọng một ngày mai tươi sáng, khả quan hơn...

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

THƠ KHÔNG ĐỀ

TỰ NHIÊN NGHĨ RA, VIẾT TẦM BẬY...


Tôi là kẻ rỗi hơi
Mỗi ngày đi qua tôi đều đếm nhẩm
Những người đi qua và những người đi lại
Người đi qua không bao giờ trở lại
Người đi lại sẽ có ngày đi qua

Tôi là kẻ rỗi hơi
Mỗi ngày đi qua tôi đều đếm nhẩm
Bạn bè thân và những người xa lạ
Bạn bè dần thưa như lá rụng
Tôi lạc đường giữa giữa phố đông người

Tôi là kẻ rỗi hơi
Mỗi ngày đi qua tôi đều đếm nhẩm
Đếm nổi buồn và những niềm vui
Nổi buồn trăm năm ngày nào cũng có
Niềm vui dang dở lúc đến lúc đi

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

DÒNG SÔNG THƯƠNG NHÓ


 Có một dòng sông muôn đời không hề cạn tắt.
Dòng sông ấy vẫn âm thầm bồi đắp phù sa cho dù năm tháng nghiệt ngã cứ trôi đi. Dòng sông ấy vẫn ấp ủ những bóng hình thân thương của một thời vô tư trên trang giấy trắng học trò, làm bạn cùng với những lọn mây tròn nhẹ giữa trời thu hay những đóa phượng hồng rực đỏ bên góc sân trường rợp bóng lá. Dòng sông không cô đơn, bởi bốn mùa luôn có những con người luôn tìm một chốn cũ, để ôn lại những kỷ niệm dấu yêu ngày ấy, để tìm lại những dấu chân đã đi qua, cả những dấu chân đã đi qua và không bao giờ trở lại, để nhận thấy cuộc đời dù trăm ngàn cay đắng, trong tâm hồn những con người vẫn có những khoảnh khắc yên bình…
Chúng tôi tìm đến với dòng sông tự nhiên, không hề suy tính. Bên dòng sông, mỗi niềm vui được nhân lên gấp bội, mỗi nổi buồn lại được sẻ chia và những giận hờn chỉ là một thoáng sóng gợn rồi tan đi. Tất cả, rồi tất cả lại cuốn theo thời gian để cuối cùng còn đọng lại là tình bè bạn không bao giờ phai nhạt. Mỗi con người, dù thân phận thế nào cũng giống nhau trong dòng sông thân yêu, những mặc cảm, tự ti như gạt bỏ lại bên bờ cuộc sống, và khi hoà mình dòng sông, chúng tôi đều là những người học trò của ngày tháng đó, bên nhau trong tình thương bè bạn, chăm chú lắng nghe tiếng cô thầy …
Hành trang lên đường của chúng tôi năm nào phù sa ngọt ngào của dòng sông thương yêu ấy. Nó thấm vào máu thịt, chảy tận trong tim, và nhắc nhỡ chúng tôi mỗi ngày dù có đối diện với biết bao lo toan, bộn bề cuộc sống vẫn phải để lại trong tim mình một góc nhỏ cho dòng sông hiền hòa ấy. Hành trang lên đường của chúng tôi là những nụ cười, ánh mắt vô tư, tấm lòng chân chất yêu thương, tất cả đã một lần soi bóng vào dòng sông, đọng mãi trong ký ức mỗi người. Hành trang lên đường của chúng tôi còn là bài ca bè bạn vang lên theo nhịp chảy năm xưa, những bàn tay bắt lấy nhau, đỡ nâng nhau trên từng bước đi, để rồi một ngày nào đó, tất cả đều vui mừng khi thấy mình đã đạt được nhũng ước mơ nhỏ bé của đời người.
Thời gian đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi và cũng trả lời nếu chúng ta biết chờ đợi và lắng nghe. Dòng sông chảy ra từ mạch nguồn Trung học Trần Cao Vân với bề dày hằng nửa thế kỷ. Chúng tôi lớn lên trong nhịp sống hào hùng của bao thế hệ học sinh ngày trước, được tắm gội trong bầu nhiệt huyết và trưởng thành trong truyền thống anh hùng của một vùng đất “từ độ mang gươm đi mở cõi…”.
Nhìn các thế hệ nối bước, chúng tôi như thấy hình ảnh của mình ngày trước, cũng ngây thơ, trong trắng, cũng miệt mài trên trang giấy vở học trò, sống hết lòng và khát vọng một tương lai tươi sáng. Quê hương bao giờ cũng là nơi đẹp nhất, bình yên nhất, tràn trề nguồn yêu thương để chúng ta trở về. Mái trường yêu dấu Trần Cao vẫn đã trải bao mùa mưa nắng, cuộn mình theo dòng chảy thời gian. Lớp học, sân trường, hàng cây còn nguyên vẹn. Một chút đơn sơ của sợi nắng hồng đọng lại dưới sân như muốn nói một điều gì… Một chút bâng khuâng thương nhớ lại vọng về từ tận đáy tim mình…
Tất cả rồi sẽ qua đi. Duy điều còn lại là những âm vang của dòng sông êm đềm khi chúng ta lại tìm về chốn cũ…

TRUNG THU TRĂNG KHUYẾT



Đêm thứ bảy, Trung thu. Dĩ nhiên là Trung thu tại Trung tâm Nuôi dưỡng Trẻ mồ côi sơ sinh thì không thể nhộn nhịp bằng những nơi khác, ở đó có đầu lân lớn nhỏ đủ loại, có đông người xem và có rất nhiều lồng đèn, bánh Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm tổ chức một đêm Trung thu “hoàng tráng” như vậy, theo lời kể của cô Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm. Một tấm phông “Vui Trung thu” được treo lên, in bạt hẳn hoi chứ không như mấy năm trước, các mẹ tại Trung tâm phải cặm cụi cắt giấy màu để dán lên tấm màn xanh làm phông nền cho các con vui chơi trong ngày Trung thu. Năm nay, nhờ một số anh em thanh niên tình nguyện tại Hội An, Trung tâm mạnh dạn thuê một dàn âm thanh nhỏ khoảng mấy trăm nghìn để các cháu có thể tham gia các tiết mục văn nghệ cho sôi nổi, một ân nhân khác giúp cho một đầu lân, các đơn vị khác thì cho lồng đèn, và nhiều nhất có lẽ là các phần bánh kẹo…
Chương trình sinh hoạt khá sôi nổi, và vui tươi, ít nhất là đối với các em. Từ người dẫn chương trình đến các tiết mục hát múa đều không chuyên cho nên có nhiều “sự cố” xảy ra, nhưng không vì thế mà chương trình kém hấp dẫn. Các em vẫn vô tư, hồn nhiên thưởng thức với vẻ say mê, điều mà tôi chắc chắn không thể có với những em thiếu nhi gia đình đầy đủ hơn. Cái nét trẻ thơ ấy có lẽ sẽ là nét chấm phá nổi bật nhất trong đêm Trung thu này, nó khiến cho những người diễn viên không chuyên, dù có hát quên lời, sai nhạc, múa rớt nhịp… vẫn thấy vui vì đã0 được các khán giả ủng hộ, cổ vũ một cách chân thành, nhiệt tình.
Tìm mãi tôi mới gặp được bé Th., cô bé tôi làm quen trong lần đầu tiên tới thăm Trung tâm, hiện nay đã là người chị lớn của các em nhỏ tại đây. Có lẽ cái tuổi 16 dù không lớn lắm, nhưng với những trải nghiệm của cuộc sống bao năm đã làm cho bé khác hẳn các bạn, bao giờ cũng trầm tư, và ngay chính những lúc Th. cười, hình như nụ cười vẫn mang một nổi buồn của cả quá khứ lẫn hiện tại. Buồn quá chứ, gia đình Th. ngày xưa là một gia đình êm ấm: cha mẹ, bà nội và bốn chị em, Th. là chị thứ hai. Không hiểu số phận trớ trêu thế nào mà một ngày kia cha Th. bỗng phát bệnh, một căn bệnh nan y: ung thư gan. Thế là gia đình bắt đầu đi vào hoàn cảnh túng thiếu, tất cả những gì quí giá có được đều dành cho việc chữa bệnh cho cha. Những lần chữa chạy, chăm sóc chồng con vất vả, cực khổ, đã làm người phụ nữ duy nhất trong gia đình ấy quên hẳn đi cái thiên chức làm mẹ, làm vợ và cả làm con. Mẹ Th. đã bỏ nhà ra đi không một lời từ biệt để lại cho chồng và người mẹ già bốn đứa con thơ, lúc đó em út Th. chỉ mới một tuổi. Thiếu bàn tay của người phụ nữ một thời tảo tần, cha Th. suy sụp hẳn tinh thần, thế rồi ông đột ngột ra đi mà không thể biết được tương lai của các con mình ra sao. Chị Hồng Hạnh đã khóc khi kể với tôi về chuyến lên thăm nhà Th. của Trung tâm để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em, trước khi tiếp nhận các em về nuôi dưỡng. Một căn nhà như một cái chái bếp, không chút đồ vật đáng giá và năm bà cháu, đứa lớn mới 6-7 tuổi, cùng nhau lội suối, mò cua bắt ốc đem ra chợ bán để sống qua ngày. Cái hình ảnh như câu chuyện cổ tích ngàn xưa vậy mà lại xuất hiện trong một thời buổi hiện đại, tôi không hiểu nếu không có những bàn tay nhân ái đưa ra thì cuộc đời các em sẽ ra sao. Vậy là Th. và hai em được đưa về nuôi tại Trung tâm, chị lớn ở nhà chăm sóc bà nội sống qua ngày. Đã mười năm rồi, một khoảng thời gian tươi đẹp của lứa tuổi thiếu niên nhưng lại rất u buồn đối với những đứa trẻ không cha không mẹ đó, Th. và các em xem Trung tâm như một gia đình thứ hai. Ở đây, trong tình thương của những người “mẹ”, Th. và các em vẫn được đi học, được ăn, được mặc, tuy rằng không thể nói là “ăn no, mặc ấm” chứ chưa nói đến “ăn sang, mặc đẹp”. Tuy nhiên cái hơi ấm của người mẹ, một lần chịu khó chịu thương, ấp ủ đêm ngày để sinh ra một đứa con bé bỏng mãi mãi không thể có được với các em, cái tình thương máu mủ đó như một món quà xa xỉ mà cuộc đời đầy khắc nghiệt đã cướp đi của các em một cách vô tâm. Có lần tôi hỏi Th., con ở đây bao năm, mẹ đã lần nào đến thăm chưa. Cái lắc đầu buồn bả và đôi mắt ướt lệ, tôi cũng không cầm được lòng, muốn ôm bé vào lòng, nếu thế giới ngoài kia bao hơi ấm tràn trề thì ở nơi đây, cái lạnh lẽo thiếu thốn của tình yêu cha mẹ có lẽ không bao giờ vơi đi…
Cô bé em Th. thì vẫn vô tư hát múa hồn nhiên, đúng là tuổi thơ có khác. Rất may cho bé vì những ngày tháng không vui ấy chưa đủ làm cho trái tim khờ dại ấy u buồn, nhưng tôi biết rằng một khi lớn hơn, bé sẽ hiểu, sẽ thấy được những mất mát vô cùng lớn lao mà mình phải nhận, lúc đó thật tội cho bé. Th. vẫn ngồi im lặng, cái nhìn sâu thẳm vào một khoảng trống xa xôi, tôi biết khó có thể làm vơi đi những gì còn nặng trĩu trong lòng em. Vy, một người mẹ tại Trung tâm nói với tôi, Th. hình như bị trầm cảm. Có lẽ là vậy, chỉ mong rằng rồi đây dòng sông cuộc sống cũng sẽ cuốn trôi đi những nỗi buồn, những nỗi buồn không đáng có của một thời thơ ấu, và cũng hy vọng cuộc sống với bao điều tươi đẹp lại hé mở cho các em một tương lai tươi sáng hơn trong những bàn tay nâng đỡ của các mẹ, các ân nhân, những người quan tâm đến các em.
Tôi ra về mà lòng trĩu nặng. H., người bạn cùng đường say sưa chia sẻ những suy nghĩ về các em, về các chuyến đi của chúng tôi, nhưng có lẽ H. cũng không thể hiểu được tôi thương Th. và các em như thế nào vì chỉ có ngồi với em, nghe em nói, thấy được ánh mắt, nổi lòng của em, chúng ta mới cảm nhận được sự thiếu thốn tình thương của các em là thế nào, mới thấy hình ảnh một gia đình dù nghèo khổ, lam lũ đến đâu cũng vẫn là một gia đình hạnh phúc, êm ấm khi còn đủ cha, mẹ và các con.
Vầng trăng Trung thu vẫn mãi khuyết khi niềm vui đến với các em chưa trọn vẹn, ờ mà sao trọn vẹn được khi quá khứ là cả những tháng ngày đau buồn. Những gì chúng ta làm cho các em cũng chỉ giúp cho đêm trăng Trung thu sáng hơn, tròn hơn một chút xíu, những nổ lực dù lớn, dù nhỏ, nếu đem lại cho em những niềm vui đã là một điều đáng quý, hãy biết trân trọng nó. Và chúng ta, xin hãy góp một bàn tay đỡ nâng, vỗ về, chăm sóc các em, để những niềm vui êm ấm gia đình ngày trước tưởng đã tan biến mất thì nay lại có thể trở về với các em dù không ấm cùng bằng bàn tay mẹ hiền, cha yêu nhưng cũng đủ mềm mại để đem lại cho các em một chút an bình, vui thỏa. Mong rằng khi đó vầng trăng sẽ tròn, sáng trong và đầy niềm vui, phước hạnh.
Xin hãy đến với các em, và tôi, tự hứa không xa rời các em đâu. Ngày trước tôi cũng đã từng như các em mà, Th. ơi!...